Vụ đắm tàu bí hiểm nhất lịch sử hàng hải

Những cơn gió mạnh với tốc độ 50 hải lý hoành hành. Những con sóng cao đến 10 mét quăng quật, ném con tàu vào dải đá ngầm. Những chiếc neo thuỷ thủ thả xuống đáy biển hoàn toàn không tác dụng vì tàu đã vỡ. Sóng quét những con người đang vất vả chống đỡ trên boong, quẳng họ xuống biển và lập tức bị biển nuốt chửng. Con tàu cứ thế chìm xuống dần mang theo cả những người còn mắc lại. Gió gào lên khúc nhạc tang thương dữ dội…

Đó là những hé lộ từ cuộc “khai quật” dưới đáy đại dương về đoàn tàu thám hiểm của Pháp do La Perouse chỉ huy bị đắm từ gần 220 năm trước, một vụ đắm tàu được xem là bí hiểm nhất của lịch sử hàng hải

Đoàn tàu khai phá

Thế kỷ XVIII ở châu u là thời hoàng kim của những chuyến thám hiểm rất xa và dài ngày trên biển của các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Anh, Hà Lan, Pháp…

Những chuyến đi như vậy đối với cựu lục địa mang lại rất nhiều hiểu biết về thế giới, chuẩn bị cho việc chinh phục những vùng đất mới, xâm chiếm thuộc địa. Đi kèm với chúng là những phát kiến vĩ đại của khoa học. Hoàng đế Pháp lúc đó Louis XVI, đã trao nhiệm vụ dẫn đầu một cuộc thám hiểm quan trọng cho bá tước De La Perouse, một người dày dạn kinh nghiệm biển khơi, đã từng tham gia hạm đội hoàng gia từ năm 15 tuổi.

Nhiệm vụ của La Perouse là chỉ huy cuộc thám hiểm trên hai con tàu La Boussole và l’Astrolabe được coi là tiên tiến nhất thời đó. Vừa tìm đường đến những xứ sở lạ lẫm với phương Tây, tàu vừa tiến hành nghiên cứu khoa học, tìm hiểu các nền văn hoá phương Đông. Thậm chí, tàu còn mang theo hạt giống rau và cây ăn quả để dạy cho những dân tộc “bán khai” cách trồng tỉa…

232 người của đoàn gồm các thành phần rất đa dạng: 6 quan chức cao cấp, 17 người gồm các nhà bác học về thiên văn học, vật lý học, sinh học, thực vật học, kỹ sư, người hoạ đồ và… thợ sửa đồng hồ cùng với các sĩ quan hải quân và thuỷ thủ đoàn.

Hành trình tang tóc của La Perouse

Đoàn tàu rời bến cảng Brest vào ngày 1.6.1785 với 700 tấn lương thực chất trong hầm chứa, thuỷ thủ và các nhà bác học phiêu lưu sang bờ biển tây bắc châu Mỹ rồi hướng về Thái Bình Dương.

Men theo bờ phía đông đại dương này, đoàn tàu đã ghé nhiều nơi chưa có người châu u đặt chân đến, nhiều hòn đảo hoang vắng giữa biển khơi, các quần đảo thuộc Nhật, bán đảo Kamchatka thuộc Nga… Nó đã dừng chân 40 ngày ở Manila, nơi người Tây Ban Nha đã đặt chân lên, để sửa chữa. Rồi những biến cố đau buồn bắt đầu xảy ra. 21 người bị chết trên ba con thuyền nhỏ đi tiền trạm đổ bộ vào bờ do va phải đá ngầm. Thuyền trưởng De Langle của con tàu l’Astrolabe bạn thân của La Perouse bị thảm sát cùng 11 thuỷ thủ bởi thổ dân trên đảo Salomon, khi ông mạo hiểm lên bờ tìm nước ngọt. Rồi đoàn tàu cặp bến Botany Bay thuộc Úc ngày 16.1.1788, ngày bá tước La Perouse gửi lá thư cuối cùng về Pháp cho Bộ trưởng Bộ Hàng hải báo cáo tình hình.

Từ đó ông muốn đi ngược lên phía bắc, qua Tân Calêđoni và Tân Ghi nê trước khi trở về Pháp… Những tấm hải đồ quá sơ sài, không hề ghi sự tồn tại của những ngọn núi lửa xưa kia đã từng bị chìm xuống ở Nam Thái Bình Dương, đảo Vanikoro và những cơn bão khủng khiếp có thể xảy ra ở vùng này.

Việc biến mất của hai chiếc tàu với hơn 200 con người và số phận của một số người trốn thoát lên đảo ở Thái Bình Dương từ đó trở thành một trong những bí hiểm nhất của lịch sử ngành hàng hải.

Những cuộc kiếm tìm trong quá khứ

Bốn mươi năm sau, thuyền trưởng Ái Nhĩ Lan Peter Dillon là người đầu tiên lần theo hải trình của La Perouse thông qua những dấu vết ít ỏi. Ông đã tập hợp được một số tư liệu, một số hiện vật liên quan đến vụ đắm tàu.

Hai mươi năm tiếp theo, trên cơ sở những tài liệu từ Peter Dillon, một người Pháp là Dumont d’Urville được cử đến thẳng mũi Vanikoro để tìm hiểu sự việc. Tại đây, ông tìm được thêm nhiều hiện vật khác: những chiếc neo, những khẩu đại bác và rất nhiều đồ vật của đoàn thám hiểm hoàng gia mà ông thuê vớt lên bằng những phương tiện thô sơ. Ông dựng trên bờ biển một đài tưởng niệm những người yêu nước bất hạnh của nước Pháp và đưa các hiện vật về trưng bày tại Viện bảo tàng hàng hải ở Paris. Từ đó đến nay, đã 217 năm trôi qua.

Bí mật của La Perouse ló dạng

Ngày 18.5.2005, con tàu Jacques Cartier với phương tiện trục vớt hiện đại đã đến quần đảo Santa Cruz, trong đó có đảo Vanikoro để tiến hành vụ “khai quật” dưới biển điều tra những bí mật cuối cùng của đoàn tàu thám hiểm do La Perouse chỉ huy. Tham gia vào vụ điều tra này có một đội ngũ thuỷ thủ và thợ lặn gồm 52 người cùng với 30 nhà khoa học.

Jacques Cartier bỏ neo cách đảo vài trăm mét. Các nhà nghiên cứu mang theo hàng chục tấn dụng cụ trục vớt, từ chiếc bàn chải nhỏ nhất đến các búa máy, khoan máy hoạt động dưới nước, thiết bị lặn tối tân. Địa điểm nằm trên xích đạo này rất khắc nghiệt. Những trận mưa như trút xảy ra thường xuyên và không thể dự đoán trước bất cứ điều gì. Gió lốc, vòi rồng, bão tố. Và chẳng có nơi nào để lẩn tránh.

Chừng 20 thợ lặn được trang bị những chiếc đèn pin cực mạnh, cho phép nhìn xa 40m và sâu 15m vào cuộc. Để có chứng cớ, ở những chỗ tìm thấy hiện vật, phải dùng máy đào cả những địa tầng kèm theo. Lúc này, người ta mới biết thêm một nhân vật: Alain Conan, chủ tịch Hội những người Tân Calêđoni ở đảo Salomon. Ông rất quan tâm đến chuyện này vì lòng ngưỡng mộ đối với nhà hàng hải Pháp La Perouse. Ông đã 7 lần tự bỏ tiền ra khai quật vụ đắm tàu. Năm 2003, êkíp của ông đã trục vớt được một khẩu đại bác nặng 900 kg. Cùng năm ấy, những người thợ lặn đã đưa lên được một bộ xương. Đó là thành viên đầu tiên và duy nhất của đoàn thám hiểm khi xưa. Bộ hài cốt ông trao cho đoàn được đưa về Pháp và giao cho Viện nghiên cứu hình sự của cảnh sát để xác định gấp. Người ta đã chứng minh rằng, đó là một người đàn ông châu u, khoảng 30 tuổi.

Lần này, đoàn cũng thu thập được xương ống chân và một số xương vụn khác. Xương người được gỡ ra khỏi đám san hô phủ kín là hiện thân của những thuỷ thủ và các nhà khoa học đã hy sinh trong vụ đắm tàu. Vật có giá trị nhất trong đợt khai quật là một chiếc la bàn phương vị có trang bị cả vòng ngắm chuẩn và kính lục phân (sextant). Dụng cụ đi biển này khắc tên Mercier. 12.000 trang tư liệu chính thức mà Alain Conan tìm thấy đã nói đến nó: “… một chiếc kính lục phân do Mercier chế tạo đã được Viện hàng hải hoàng gia cấp cho tàu La Boussole”, chứng tỏ đây chính là con tàu bị đắm của La Perouse.

Michel L’Hour và Elisabeth Veyrat, những người chỉ huy việc trục vớt, bằng những tư liệu và hiện vật đã kể lại với sự xúc động: “Người ta có thể dễ dàng hình dung ra tai hoạ bất ngờ đã xảy ra với Perouse và con tàu của ông khi gặp bão. Những cơn gió mạnh với tốc độ 50 hải lý hoành hành. Những con sóng cao đến 10 mét quăng quật, ném con tàu vào dải đá ngầm. Những chiếc neo mà thuỷ thủ thả xuống đáy biển hoàn toàn không tác dụng vì tàu đã vỡ. Sóng quét những con người đang vất vả chống đỡ trên boong, quẳng họ xuống biển và lập tức bị biển nuốt chửng. Con tàu cứ thế chìm xuống dần mang theo cả những người còn mắc lại. Gió gào lên một khúc nhạc tang thương dữ dội”.

Trong khi đó, cách một dặm, con tàu L’Astrolabe mắc cạn trên một rạn san hô. Khoảng 50 thuỷ thủ tìm cách lên được bờ. Và đến lượt họ trở thành tù nhân của đảo Vanikoro. Khí hậu nơi đây thật khủng khiếp đối với người châu u. Nhiệt độ đã cao, độ ẩm lại cực đại khiến họ không thể thở được. Đàn côn trùng khát máu sống dưới gốc đước không cho họ lúc nào yên. Thổ dân coi họ là kẻ thù. Họ phải ăn tất cả những gì tìm được trong thiên nhiên. Bệnh sốt rét tàn phá cơ thể họ. Họ trốn chui trốn lủi đằng sau những bụi cây rậm rạp. Năm tháng như thế, tìm mọi cách ghép được vài chiếc thuyền để vượt biển, nhắm hướng châu Úc hoặc Timor, nhưng họ đã chẳng bao giờ đến được đích.

Đoàn điều tra đã khẳng định được vị trí xác hai con tàu: tàu Boussole nằm ở một chỗ rạn nứt dưới đáy biển. Tàu L’Astrolabe mắc cạn trên một vỉa san hô. Tuy nhiên, nhiệm vụ của đoàn điều tra chưa phải đã kết thúc. Những hiện vật mang về phải được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, để nói lên những bí mật cuối cùng.

Ngày 15.8.2005 tàu Jacques Cartier rời nơi trục vớt, chất đầy những lời giải đáp, những điều khẳng định và một niềm hy vọng mới: Làm sáng tỏ trường hợp hy sinh của nhà hàng hải vĩ đại của nước Pháp, mang lại câu trả lời cho mọi người, đặc biệt cho… hoàng đế Louis XVI. Các sử gia kể lại rằng khi bước lên đoạn đầu đài (nhà vua bị cách mạng Pháp năm 1789 xử tử), ông vẫn đau đáu về số phận của La Perouse. Câu nói cuối cùng của ông trước khi đưa đầu vào máy chém không phải lo cho mình mà là: “Có tin gì về ông La Perouse chưa?”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ