Vì sao phải xây dựng hệ thống rừng bảo hộ “Tam Bắc”?

“Vạn lí trường thành là một kì tích lớn trong lịch sử văn minh nhân loại. Trong tương lai không xa, một bức “Vạn lí trường thành xanh” sẽ sừng sững mọc lên trên miền đất rộng mênh mông của Trung Quốc, đó chính là công trình sinh thái lớn nhất trên thế giới – hệ thống rừng bảo hộ “Tam Bắc”.

Tháng 11 năm 1978, Chính phủ Trung Quốc ra quyết định sẽ xây dựng một công trình rừng bảo hộ qui mô lớn ở vùng đất Tây Bắc, Hoa Bắc và Đông Bắc – khu vực mà bão cát và đất thường bị xói mòn nghiêm trọng, để ngăn ngừa sa mạc hóa và diện tích sa mạc mở rộng, giảm thấp đất bị xói mòn. Dải rừng bảo hộ này từ khu tự trị Tân Cương vắt qua Thanh Hải, Cam Túc, Ninh Hạ, Thiểm Tây, Nội Mông, Sơn Tây, Hà Bắc, Bắc Kinh, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang gồm 12 tỉnh, khu tự trị và 551 huyện trực thuộc, tổng diện tích là 4,069 triệu km2. Toàn công trình được xây dựng trong thời gian 70 năm.

Chúng ta đều biết phần lớn “Tam Bắc” đều là những vùng khô hạn và bán khô hạn. Ở đây, thảm thực vật thưa thớt, khí hậu khô ráo ít mưa, đất trọc, lượng hơi nước bốc hơi lớn, sinh thái mất đi cân bằng, thường xuất hiện những trận gió cát. Đồng ruộng và các nông trường chăn nuôi của 213 huyện thường bị gió cát uy hiếp. Mưa tập trung vào mùa hạ và mùa thu, khiến cho diện tích bị xói mòn của cao nguyên Hoàng Thổ đạt đến 4,3 triệu km2, trực tiếp gây tác hại cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi của cả một vùng lớn.

Hàng năm có khoảng 1,6 tỉ tấn bùn trôi vào các dòng sông, nâng cao đáy sông Hoàng Hà, uy hiếp sự an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân vùng hạ lưu. Từ Tân Cương đến Hắc Long Giang còn phân bố một diện tích khoảng 1,75 triệu km2 sa mạc và bãi đá, trong đó có khoảng 56.000 km2 là sa mạc được hình thành gần 100 năm nay. Ngoài ra còn có khoảng 1,58 triệu km2 đất đai có nguy cơ biến thành sa mạc. Vì thiên tai dồn dập cho nên sự phát triển nông nghiệp và chăn nuôi của vùng “Tam Bắc” bị hạn chế, sản lượng lương thực thấp.

Phần lớn các vùng nghèo đói của Trung Quốc đều rơi vào vùng này.

Giai đoạn thứ nhất của công trình hệ thống rừng bảo hộ “Tam Bắc” năm 1985 đã hoàn thành thắng lợi, trồng được gần 6,25 triệu ha rừng và làm cho 6,26 triệu ha ruộng được mạng lưới rừng bảo hộ. Trọng điểm giai đoạn thứ nhất của công trình là hệ thống rừng bảo hộ đồng ruộng sơ bộ được hình thành. Ngoài ra, vùng trung du sông Hoàng Hà đất hay bị xói mòn và hệ thống sinh thái cũng dần trở lại tươi tốt hơn, tình trạng đất xói mòn được khống chế ở một mức độ nhất định.

Giai đoạn thứ hai của công trình này bắt đầu từ năm 1986, qui mô càng lớn, đến năm 1996 thì diện tích rừng che phủ ở vùng “Tam Bắc” đã từ 5,9% của kết thúc giai đoạn 1 nâng lên đến 7,7%. 16,6 triệu ha ruộng trở thành mạng lưới rừng. 1/3 diện tích đất bị xói mòn của vùng cao nguyên Hoàng Thổ sẽ được xử lí. Vùng ngoại vi Bắc Kinh, Kinh Bao và phía tây đường sắt Bao Lan, cũng như phong cảnh tự nhiên hai bên bờ sông Hoàng Hà phần trung du được cải thiện rõ rệt.

Hệ thống rừng bảo hộ “Tam Bắc” đồng thời với việc bảo vệ thảm xanh hiện có, còn dùng các biện pháp trồng rừng khác như: dùng máy bay rải hạt giống trồng rừng, nhân công trồng rừng, vây núi, khoanh cát trồng cỏ, trồng rừng, thực hiện kế hoạch theo từng bước để gây nên hệ thống rừng chắn gió, cố định cát, rừng chống đất xói mòn, rừng bảo hộ các nông trường chăn nuôi, rừng bảo hộ nguồn nước, rừng cung cấp củi, rừng kinh tế, rừng lấy gỗ, v.v.. kết hợp giữa các loại cây lấy gỗ, cây lấy củi và các loại thực vật khác tạo nên những dải rừng, mạng lưới rừng và từng cánh rừng làm cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi phát triển hài hòa, khiến cho môi trường sinh thái vùng “Tam Bắc” được cải thiện đáng kể, thúc đẩy nông, lâm nghiệp và chăn nuôi của Trung Quốc phát triển toàn diện. Năm 1987, hệ thống rừng phòng hộ “Tam Bắc” được cơ quan Qui hoạch môi trường của Liên hợp quốc bình chọn là một trong “500 công trình bảo vệ môi trường tốt nhất của toàn cầu”.

Có thể dự đoán rằng: sau khi hệ thống rừng bảo hộ “Tam Bắc” được xây dựng xong, vùng này sẽ trở thành một vùng đất quý “Sơn thanh thủy tú, hàng nghìn kilômét chạy dài màu mỡ”. Đến lúc đó Vạn lí trường thành cổ xưa và “Trường thành xanh hiện đại” sẽ cùng chói sáng, là những thành lũy vững chãi bảo vệ miền Bắc Trung Quốc.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ