Vì sao phải mở rộng “sản xuất sạch”?

“Thuật ngữ “Sản xuất sạch” do Cục Quy hoạch môi trường Liên hợp quốc đề xuất năm 1989. Nó bao gồm hai nội dung là quá trình sản xuất sạch và sản phẩm sạch, tức là không những phải thực hiện quá trình sản xuất không gây ô nhiễm hoặc ô nhiễm rất ít mà còn phải sản xuất ra những sản phẩm trong quá trình sử dụng hoặc những phế thải thải ra cũng không gây nguy hại cho môi trường.

Nhân loại đang đối mặt với một hiện thực rất trớ trêu là: một mặt chúng ta đang phải chi phí nhiều tiền của để bảo vệ môi trường, khống chế ô nhiễm. Ví dụ như nước Mỹ hàng năm số tiền đầu tư vào bảo vệ môi trường đạt khoảng 80 – 90 tỷ đôla, ở Nhật Bản khoảng trên 70 tỷ đôla. Mặt khác môi trường lại đang cảnh báo chúng ta, vấn đề môi trường cũ chưa được giải quyết triệt để thì vấn đề môi trường mới lại xuất hiện. Loài người trong khi tỉnh ngộ về những biện pháp khoa học kĩ thuật dùng để bảo vệ môi trường và những chính sách bảo vệ môi trường áp dụng trước đây đã phát hiện ra: trước kia trọng điểm bảo vệ môi trường phần nhiều được đặt vào khâu khống chế và xử lý ô nhiễm “cuối cùng”, tức là sau khi đã hình thành ô nhiễm mới tìm cách khống chế và xử lý. Kết quả trong sản xuất xã hội, 70 – 80% nguồn tài nguyên cuối cùng bị biến thành phế thải đưa vào môi trường, tạo nên ô nhiễm và phá hoại sinh thái. Nếu trong quá trình sản xuất, chúng ta biết khống chế và dự phòng trước những chất gây ô nhiễm, khiến cho những sản phẩm cuối cùng cung cấp cho xã hội để lại phế thải rất ít thì sẽ giảm được mức độ rất lớn đối với ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu. Đó chính là tư tưởng “sản xuất sạch”

Nội dung bao hàm của “sản xuất sạch” tương đối rộng. Ví dụ nhà máy thông qua kĩ thuật tiên tiến để giảm bớt lượng chất thải gây ô nhiễm, giảm thấp tiêu hao năng lượng vừa nâng cao hiệu suất kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm đối với môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý môi trường. Thông qua sản xuất sạch giảm thấp lượng tiêu hao nước và nguyên liệu khoáng sản dùng trong công nghiệp, thay đổi kết cấu sản xuất và hiện trạng tiêu hao năng lượng dùng than đá là chủ yếu như hiện nay, mở rộng “sản phẩm xanh”, điển hình nhất là sản xuất và sử dụng loại nhựa có thể phân huỷ để xoá bỏ “ô nhiễm trắng”, v.v..

Ở những nước phát triển về mặt thúc đẩy sản xuất sạch đã đi trước Trung Quốc rất xa. Ví dụ, ở Mỹ từ năm 1970 đến nay, dân số tăng lên 22%, tổng giá trị sản xuất tăng khoảng 75%, còn tiêu hao năng lượng chỉ tăng không đến 10%. Đồng thời hàm lượng bình quân của các chất như chì, bụi khói, khí cacbonic và khí sunfurơ trong không khí đều giảm xuống rõ rệt, hàm lượng các khí thải khác giữ được ổn định. Những con sông năm 1970 bị ô nhiễm nghiêm trọng thì nay đa số đã được tái sinh. Đó là do nước Mỹ coi trọng sản xuất sạch.

Sản xuất sạch là một bước nhảy vọt trong nhận thức về bảo vệ môi trường, là trị gốc chứ không phải trị ngọn. Sự phát triển công nghiệp và đặc điểm tài nguyên môi trường của Trung Quốc chứng tỏ: muốn bảo đảm phát triển ổn định và tiếp tục phát triển kinh tế thì phải vứt bỏ mô hình phát triển trước đây, tức là tiêu hao nhiều, đầu tư cao mà phải ra sức đẩy mạnh sản xuất sạch, đi theo con đường tiến bộ kĩ thuật, nâng cao hiệu suất kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và tiết kiệm toàn diện.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ