Vì sao phải cảnh báo nguy cơ nước ngọt có tính toàn cầu?

Theo điều tra năm 1995 của Tổ chức Nông lương thực Liên hợp quốc, hiện nay lượng nước ngọt hàng năm thế giới dùng là 4.130 tỉ m3. Vì dân số tăng nhanh, cuối thế kỉ XX này lượng nước sạch bình quân cung cấp cho mỗi người sẽ giảm đi 24%. Hàng năm mỗi người có thể được cung cấp nước sạch từ 3.000 m3 ở những năm 80 giảm xuống còn 2.280 m3 ở năm 2000. Từ năm 1980 đến năm 2000, nguồn nước sạch mỗi người hàng năm được hưởng ở Châu Âu từ 4.400 m3 giảm xuống còn 4.100 m3; ở Châu á từ 5.100 m3 giảm xuống còn 3.300 m3; ở Châu Phi từ 9.400 m3 giảm xuống còn 5.100 m3; nhiều vùng ở Trung Đông là vùng sa mạc, lượng mưa ít, tài nguyên nước đã trở thành sự sống còn đối với sự phát triển của những nước này. Châu Phi là vùng vốn đã thiếu nước, theo tiến sĩ Mâygiơ cố vấn Ngân hàng Thế giới, thành viên của Viện Colin, đại học Niutơn viết trong tác phẩm “Sự an toàn cuối cùng” thì trong vòng không đầy 10 năm nữa, dự kiến lượng nước cung cấp cho một người dân ở Ai Cập, Nigiêria, Kênia lần lượt sẽ giảm 30%, 40% và 50%.

Các nhà địa lí học thủy văn đề ra tiêu chuẩn: nếu bình quân hàng năm lượng nước một người được cung cấp không đầy 1.000 m3 thì nước đó thuộc quốc gia thiếu nước. Hiện nay trên thế giới có hơn 2 tỉ người đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước, trong đó có 300 triệu người đang phải sống trong tình trạng luôn thiếu nước.

Tháng 5/1996 ở New York đã triệu tập Hội nghị ủy ban tài nguyên thiên nhiên khóa 3, căn cứ nguồn năng lượng nước chia bình quân đầu người, tổng giá trị kinh tế quốc dân chia bình quân đầu người và chỉ tiêu nước cho bình quân đầu người đã tiến hành phân tích tổng hợp đối với 153 nước có số dân chiếm 98,83% tổng dân số thế giới, chia thành 4 loại: loại quốc gia thứ nhất là những nước có nguồn nước phong phú, gồm hơn 100 quốc gia với số nhân khẩu 1,93 tỉ người, chiếm 34,19% tổng dân số thế giới; loại quốc gia thứ hai là những nước có nguồn nước kém, gồm 17 quốc gia có 1,90 tỉ người chiếm 33,74% dân số thế giới; loại quốc gia thứ ba là những nước thiếu nguồn nước căng thẳng, gồm 17 quốc gia với dân số 1,45 tỉ người chiếm 25,65% tổng dân số thế giới; loại quốc gia thứ tư là nước thiếu nguồn nước, gồm 19 quốc gia với dân số 362,8 triệu người, chiếm 6,14% tổng dân số thế giới. Theo cách phân loại trên, Trung Quốc thuộc loại quốc gia thứ hai, vị trí trong khoảng từ 100 – 117 nước.

Vì sao phải đưa ra sự cảnh báo nguy cơ nguồn nước có tính toàn cầu? Chủ yếu có ba nguyên nhân. Thứ nhất là lượng nước dùng cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt tăng lên nhanh chóng. Lượng nước ngọt dùng cho nông nghiệp và công nghiệp chiếm 70% và 22% tổng lượng nước tiêu thụ trên toàn cầu, hơn nữa nhu cầu vẫn đang tăng lên. Sự tăng trưởng nhanh dân số thế giới và sự phát triển của đô thị cũng khiến cho lượng nước sinh hoạt tăng nhanh.

Đầu thế kỉ XX, nước dùng cho công nghiệp và sinh hoạt đô thị chỉ chiếm 12% tổng lượng nước cung cấp. Cùng với sự tăng trưởng dân số và sự phát triển công nghiệp, nguồn nước tiêu hao ngày càng lớn.

Từ năm 1900 đến 1975, tốc độ cung cấp nước bình quân hàng năm tăng từ 3% – 5% tổng lượng nước, ước tính cứ 20 năm thì tăng gấp đôi. Tốc độ dùng nước của công nghiệp và đô thị cũng tăng lên rất nhanh, năm 1950 chiếm khoảng 22,7% tổng lượng nước, năm 1985 chiếm đến 34,6%, đến năm 2000 tổng lượng nước toàn thế giới dùng đạt đến mức 6.000 tỉ m3, chiếm 15% tổng lưu lượng nước trên Trái Đất. Trong 40 năm gần đây, lượng nước dùng cho công nghiệp toàn thế giới đã tăng lên 40 lần, còn nước dùng cho nông nghiệp chỉ tăng lên 2 lần. Ở những nước phát triển, nước dùng cho công nghiệp chiếm 40%, trong đó 2/3 là dùng cho các ngành luyện kim, dầu mỏ, hóa chất, giấy và thực phẩm. So với các nước công nghiệp thì nước dùng cho công nghiệp ở các nước đang phát triển rất ít, bình quân đầu người khoảng 20 – 40 m3.

Nguyên nhân thứ hai của lời cảnh cáo nguy cơ thiếu nước có tính toàn cầu là nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải công nghiệp và đô thị trên thế giới hàng năm đã đạt đến mức hơn 500 tỉ m3, năm 2000 đạt mức 3.000 tỉ m3. Một nửa nguồn nước ngầm trên thế giới đang bị ô nhiễm.

Nguyên nhân thứ ba của lời cảnh báo nguy cơ thiếu nước có tính toàn cầu là nạn chặt phá rừng gây nên lượng mưa ít, nước ngầm không được bổ sung. Toàn thế giới hàng năm khai thác khoảng 550 tỉ m3 nước ngầm, rất nhiều vùng tình trạng khai thác nước ngầm không còn khống chế được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ