Vì sao ở người có tuổi, nhu cầu ngủ lại ít đi?

Trong cuộc sống, ta thấy người càng trẻ, thời gian cần ngủ càng dài, còn người càng lớn tuổi, thời gian cần ngủ càng ngắn. Trong trường hợp bình thường, trẻ em sơ sinh ngoài thời gian ăn là ngủ, còn người già mỗi ngày chỉ ngủ 5 – 6 giờ là không ngủ được nữa. Thực chất nguyên nhân vì đâu?

Muốn hiểu điều này, trước hết ta hãy tìm hiểu ngủ là gì. Khi con người làm việc hay học tập cả ngày, tối đến, tế bào thần kinh vỏ đại não mệt mỏi, từ trạng thái hưng phấn chuyển sang trạng thái ức chế. Hơn nữa, sự chuyển biến này từ cục bộ dần dần khuếch tán rộng ra. Khi vỏ não và tầng dưới vỏ não phát sinh ức chế rộng rãi thì sẽ đi vào giấc ngủ. Theo quan sát điện não đồ, con người khi ngủ có hai trạng thái thay thế nhau. Một loại là ngủ sóng chậm, giấc ngủ không sâu, hơi thở chậm và đều, mạch và huyết áp ổn định, thùy thể não tiết ra “chất kích thích sinh trưởng”, thúc đẩy sự hợp thành hấp thu và đào thải của cơ thể, giúp cho thể lực được hồi phục. Ngủ sóng chậm kéo dài 80-120 phút, sau đó chuyển sang ngủ sóng nhanh. Khi ngủ sóng nhanh, giấc ngủ sâu, khó gọi tỉnh, mạch máu não giãn nở, lượng máu qua não nhiều hơn lúc ngủ sóng chậm 30-50%, các tế bào não được hấp thu đào thải mạnh mẽ, khiến cho não được phục hồi. Trạng thái này kéo dài khoảng mười mấy phút đến nửa tiếng, sau đó lại chuyển sang giấc ngủ sóng chậm. Cả hai loại thay thế cho nhau liên tục, một đêm khoảng 4-6 lần.

Người đến tuổi già, vì công năng vỏ đại não hoạt động không mạnh mẽ như tuổi trẻ, tốc độ hấp thu đào thải giảm chậm, hơn nữa hoạt động thể lực đã giảm rất nhiều, do đó thời gian người già cần ngủ cũng giảm theo. Tục ngữ nói “30 năm đầu ngủ không tỉnh, 30 năm sau ngủ không say” là vì lẽ đó. Nói chung, người già một đêm ngủ 5-6 giờ là đủ. Người già ban đêm khó đi vào giấc ngủ, nửa đêm dễ tỉnh dậy, thời gian ngủ ngắn hơn một ít, đa số có thể thông qua nghỉ ngơi hoặc chợp mắt một chốc về ban ngày là bù đắp được. Đó đều là những phương pháp tốt để tiêu trừ mệt mỏi.

Thời gian ngủ cố nhiên rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là chất lượng giấc ngủ. Để cho người già ngủ tốt, phòng ngủ nên giữ yên tĩnh, trong phòng không có ánh sáng, không khí thoáng và chăn đắp thích hợp. Ngoài ra, nên tập thành thói quen ngủ có quy luật để bảo đảm chất lượng. Như thế sẽ có lợi cho việc kéo dài tuổi thọ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ