Vì sao nồi cơm điện có thể tự động nấu chín cơm, giữ được nhiệt?

Dùng nồi cơm điện nấu cơm, chỉ cần cho gạo đã vo rồi vào trong nồi, đổ vào một lượng nước thích hợp, cắm dây vào nguồn điện, ấn công tắc xuống, đèn báo sáng lên, nồi cơm điện bắt đầu làm việc. Đến khi gạo chín thành cơm, đèn báo tự động tắt, một đèn báo giữ nhiệt khác sáng lên, chỉ rõ trong nồi đang ở trạng thái giữ nhiệt. Bất kể bao nhiêu lâu, nhiệt độ cơm trong nồi trước sau vẫn duy trì giữa 60 – 70°C, không hề nguội lạnh.

Chúng ta biết rằng, nhiệt lượng cần đến khi nồi cơm điện nấu cơm là do dây mai so phát ra sau khi thông điện. Cái đó cũng cùng một nguyên lí với nấu cơm bằng bếp điện. Song, nồi cơm điện có thể tự động nấu cơm, giữ nhiệt và vì nhờ có thêm hai công tắc điều khiển tự động lắp trong nồi: một cái là công tắc hạn chế nhiệt độ tự động, một cái khác là công tắc giữ nhiệt tự động.

Sau khi thông điện, nhiệt độ của nước và gạo trong nồi cơm điện dần dần lên cao. Trước khi hạt gạo nấu thành cơm chín, do trong nồi có một lượng nước, cho dù nước sôi lên, nhiệt độ của nó cũng giữ ở khoảng 100°C. Còn khi hạt gạo trong nồi dần dần mềm đi, sấy khô thành cơm chín, nhiệt độ mới có thể lên cao, vượt quá 100°C. Khi đạt tới 103°C, công tắc hạn chế nhiệt độ được thiết kế ở nhiệt độ đó, sẽ tự động cắt rời dây mai so với nguồn điện, nhiệt độ trong nồi liền hạ xuống dần dần.

Khi nhiệt độ trong nồixuống tới 60°C, công tắc giữ nhiệt bật lên, dây mai so lại được nối thông với nguồn điện, nhiệt độ trong nồi lại từ từ tăng lên; nhiệt độ lên đến 70°C, công tắc giữ nhiệt lại tự động cắt rời dây mai so với nguồn điện, nhiệt độ trong nồi lại từ từ hạ xuống, đến 60°C, công tắc giữ nhiệt lại hoạt động trở lại, lại nối thông nguồn điện… Công tắc giữ nhiệt hoạt động tuần hoàn lặp đi lặp lại như vậy làm cho nhiệt độ trong nồi luôn giữ ở mức 60 – 70°C, vừa đúng thoả mãn nhu cầu giữ nhiệt.

Công tắc hạn chế nhiệt độ và công tắc giữ nhiệt đảm nhận vai trò quan trọng trong nồi cơm điện đều do tấm lưỡng kim tổ thành. Một mặt của tấm lưỡng kim là hợp kim sắt – niken, mặt kia là hợp kim đồng – niken, dùng phương pháp cơ học cố định chúng vào với nhau, ở tình trạng cùng một nhiệt độ, phía hợp kim đồng – niken dễ giãn nở vì nhiệt hơn phía hợp kim sắt – niken. Như vậy khi nhiệt độ lên cao, tấm lưỡng kim liền cong về phía khó giãn nở, xuất hiện sự uốn cong. Một khi nhiệt độ xuống thấp, tấm lưỡng kim lại phục hồi dạng cũ. Lợi dụng đặc trưng này của tấm lưỡng kim để nó sinh ra uốn cong tại một nhiệt độ đặc biệt định sẵn thì có thể dùng làm công tắc tự động nối thông nguồn điện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ