Vì sao chim đậu trên dây điện mà không bị điện giật?

Mọi người đều biết, nếu người đứng trên mặt đất tiếp xúc với dây điện cao áp thì sẽ xảy ra nguy cơ bị điện giật. Song lạ kì thay, chúng ta thường trông thấy một số con chim đậu trên dây điện cao áp trần, sau một tràng ríu rít líu lo lại bình yên bay đi. Vì sao chim không bị điện giật nhỉ?

Cái đó không phải là chim có bản lĩnh gì đặc biệt đâu. Bạn xem kìa, chúng đều đậu trên một sợi dây điện. Khi ấy thân thể chúng chỉ tiếp xúc với một sợi dây điện, không tạo thành mạch điện, cũng tức là không có dòng điện chạy qua trên thân mình chúng, cho nên không bị điện giật.

Nếu chúng ta đứng trên mặt đất, còn thân thể chạm vào dây lửa (dây mang điện áp cao) trong đường điện thì coi như nối liền mạch điện, dòng điện sẽ qua người chúng ta mà chạy xuống đất. Thế là xảy ra điện giật.

Nếu chúng ta đi giày cao su cách điện rất đáng tin cậy hoặc đứng trên ghế gỗ cách điện thì cho dù có lấy tay sờ vào dây lửa cũng không bị điện giật. Khi ấy, bạn giống như trường hợp con chim đậu trên dây điện. Một số thợ điện có kinh nghiệm, có thể tiến hành thao tác khi có điện, chính là đã nắm được nguyên lí này.

Một khi không có dòng điện chạy qua thì dù điện áp có cao đến mấy cũng không bị điện giật. Thế thì, tại sao ở gần đường dây cao áp cũng có thể gặp nguy hiểm nhỉ?

Đó là vì khi người đi gần dây điện cao áp, thân thể người ấy chịu cảm ứng cao áp, nếu khoảng cách quá gần, lớp không khí giữa người và dây điện cao áp liền có khả năng bị đánh xuyên. Không khí vốn là vật cách điện rất tốt, sau khi bị đánh xuyên liền trở thành vật dẫn điện. Thế là dòng điện rất mạnh sẽ chạy qua thân người, gây nên điện giật. Vì vậy, nhất thiết không được đến gần dây điện cao áp!

Ngoài ra, cũng không được dùng tay ướt hoặc khi một phần của thân thể ngâm trong nước mà lại chạm vào công tắc hoặc đồ dùng có điện. Vì trong điều kiện điện áp không biến đổi, điện trở càng nhỏ, dòng điện sinh ra càng lớn, điện trở của cơ thể người về căn bản là ở trên da dẻ, nếu tay khô thì vào khoảng vài chục kilô ôm. Nếu vô ý chạm vào điện áp 220 vôn, có thể bị điện giật mạnh, nhưng nói chung không đến nỗi nguy hiểm cho tính mạng; nếu tay bị ướt rồi, hoặc một phần thân thể ngâm trong nước, vì nước là vật dẫn điện tốt, điện trở của da liền bị giảm nhiều, khi ấy mà chạm vào điện 220 vôn, liền có khả năng bị điện giật chết.

Khi gặp phải tình huống này: một đường dây có điện cao áp nếu bị rơi xuống chiếc ô tô bạn đang ngồi, khi ấy ô tô có mang điện. Vì lốp ô tô là vật cách điện rất tốt, tuy điện áp của thân thể bạn và của ô tô đều rất cao, nhưng lại không có dòng điện chạy qua người bạn. Vì vậy, ngồi yên trong xe là rất an toàn, không hề bị điện giật. Hãy nhớ kĩ: nhất thiết đừng bước ra ngoài xe! Vì khi bạn vừa đặt chân xuống đất, điện trên ô tô sẽ thông qua thân thể bạn mà chạy xuống đất, trong người bạn sinh ra dòng điện rất lớn mạnh, đó mới là điều thật sự nguy hiểm.

Để phòng ngừa điện giật, không nên thả diều gần đường dây tải điện, dòng điện cao áp có khả năng truyền đến tay bạn theo dây diều; không nên trèo cột điện, điện cao áp trên ấy có thể làm chết người; đừng thử dùng ngón tay chọc vào lỗ cắm điện, một khi thân thể bạn cấu thành mạch điện liền có dòng điện chạy qua; đừng đến gần dây điện đứt rời; nếu có người bị điện “hút” chặt thì không được dùng tay chạm vào người ấy, mà phải gấp rút tìm gậy gỗ hoặc thanh tre khô ráo gạt dây điện ra. Điện cũng như lửa vậy, đều là “người giúp việc” có ích, chỉ cần nắm được quy luật của nó, thì có thể bắt nó phục vụ chúng ta tốt hơn mà không gây ra nguy hại gì.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ