Vì sao biển khơi có màu xanh thẫm, còn bọt nước trên biển lại là màu trắng?

Ngồi bên bờ biển, ngắm nhìn biển rộng màu xanh thẫm, cuộn lên muôn ngàn bọt sóng, hùng tráng biết bao! Nhưng, vì sao bọt sóng cuộn lên trên mặt biển xanh thẫm lại có màu trắng nhỉ?

Múc một thìa nước biển xem thử nào, ủa? Nước biển vừa không phải xanh thẫm, cũng không phải màu trắng. Nó giống hệt như nước máy, trong suốt không màu. Ai đã bôi màu sắc lên biển và bọt sóng thế nhỉ? Đó là trò ảo thuật của ánh sáng Mặt Trời đấy.

Ánh sáng Mặt Trời do ánh sáng của bảy loại màu: đỏ, da cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím hợp thành. Khi ánh sáng Mặt Trời chiếu lên mặt biển, những ánh sáng có bước sóng tương đối dài như ánh sáng đỏ, ánh sáng da cam có thể lách qua mọi trở ngại, đi thẳng về phía trước. Trong quá trình đi tới, chúng không ngừng bị nước biển và sinh vật biển hấp thụ. Còn ánh sáng có bước sóng tương đối ngắn như ánh sáng chàm, ánh sáng tím, tuy có một phần bị nước biển và tảo biển v.v. hấp thụ, song đa số chúng gặp phải sự cản trở của nước biển liền tới tấp tán xạ ra xung quanh, hoặc phản xạ trở lại. Cái mà chúng ta nhìn thấy tức là phần ánh sáng bị tán xạ hoặc bị phản xạ lại. Nước biển càng sâu, ánh sáng chàm bị tán xạ và phản xạ sẽ càng nhiều, cho nên biển khơi bao giờ cũng thấy có màu xanh thâm thẫm.

Vậy thì vì sao bọt sóng lại có màu trắng?

Bạn xem, cốc thuỷ tinh đều là trong suốt không có màu, từng mảnh thuỷ tinh sau khi bị rơi vỡ vẫn còn trong suốt. Nhưng khi chúng ta quét dồn chúng vào một chỗ thì lại biến thành một đống trắng nhờ nhờ. Vả lại, đập vỡ thuỷ tinh thành vụn thuỷ tinh thì nhìn vào rất giống như một đống hoa tuyết. Đó là vì lẽ gì vậy? Hoá ra là, thuỷ tinh có thể để tia sáng đi qua, cũng có thể phản xạ tia sáng. Thuỷ tinh sau khi vỡ vụn ra, hình thành nhiều góc độ khác nhau, và lại chồng chất lên nhau, khi ánh sáng chiếu rọi qua, ngoài xảy ra phản xạ, lại xảy ra khúc xạ nhiều lần. Còn tia sáng sau khi đi qua rất nhiều đoạn gã y gập, khúc xạ hoặc tán xạ ra từ từng hướng khác nhau, mắt chúng ta gặp phải loại tia sáng này liền cảm thấy cả một mảng màu trắng.

Bọt sóng thật giống với vụn thuỷ tinh nát nhỏ, nó cũng làm cho tia sáng trải qua nhiều lần biến ảo, cho nên nhìn vào thấy có màu trắng.

Hoa tuyết màu trắng cũng rất giống với thuỷ tinh vỡ nát, vì hoa tuyết được cấu thành bởi tinh thể băng. Tinh thể băng có kết cấu phức tạp. Nó có thể làm cho tia sáng xảy ra phản xạ, phản xạ toàn phần và khúc xạ, kết cục hình thành lên một mảng trắng tinh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ