Vẫn băng là gì?

“Những vật thể rắn từ trong vũ trụ xuyên qua tầng khí quyển rơi xuống đất được gọi là vẫn tinh. Vẫn tinh có thể chia làm ba loại: vẫn tinh đá, vẫn tinh sắt và vẫn tinh sắt đá. Ngoài ba loại vẫn tinh này ra còn có một loại vẫn tinh thuỷ tinh, tức vẫn băng (vẫn thạch thuỷ tinh).

Vẫn tinh trong quá trình rơi xuống đất, nhiệt độ bề mặt thường nóng trên 3 – 4 nghìn độ. Với nhiệt độ cao như thế, nhiều chất hoá thành khí, do đó con người ít nghĩ đến có thể có vẫn băng rơi xuống mặt đất. Những ghi chép về vẫn băng rất ít thấy. Trong các tư liệu cổ của Trung Quốc từng có một đoạn văn như sau: “”Mùa thu năm Đồng Trị nguyên niên (1862) buổi trưa có một ngôi sao lớn rơi xuống ruộng ông Lôi làng Tây huyện Linh Lăng. Khối cầu to như cái phễu và tròn, ít lâu sau nó tan thành nước””. Ngôi sao này là vẫn băng từ ngoài bầu trời bay đến, hay là một khối băng to? Những ghi chép hồi đó không đủ làm căn cứ để giám định khoa học. Ngày 11 tháng 4 năm 1983 ở Cửa Đông thành phố Vô Tích cũng rơi một khối băng, sau đó bốc lên một đám sương mù. Có người khách qua đường nhặt được một mảnh vỡ bỏ vào phích để giữ lại. Về sau qua sự nỗ lực của các nhà thiên văn Trung Quốc, từ ảnh mây chụp bằng vệ tinh nhân tạo hôm đó người ta đã tìm thấy dấu vết quỹ đạo của nó từ trong không gian vũ trụ rơi vào tầng khí quyển, nhờ đó chứng minh được nó là một khối vẫn băng hiếm gặp.

Ở nước ngoài cũng rất ít tư liệu ghi chép về vẫn băng. Ngày 30 tháng 8 năm 1955 một khối vẫn băng rơi ở ngoại thành Castơn của Wayskansi, khối lượng khoảng 3 kg. Ngày 27 tháng 8 năm 1963 một khối vẫn băng cũng rơi trong vườn táo của một nông trang ở ngoại ô Matxcơva, khối lượng khoảng 5 kg.

Các nhà khoa học dự đoán vẫn băng rất có thể là từ sao chổi tách ra. Khi một mảnh sao chổi rơi vào tầng khí quyển có thể bốc cháy không hết, phần còn lại rơi xuống mặt đất. Nhưng hiện nay vẫn có một số nhà khoa học phủ định giả thiết này, vì chưa đủ chứng cớ để chứng minh vẫn băng là từ vũ trụ bay đến. Họ cho rằng những vẫn băng từ trên không trung rơi xuống có thể là sản vật ở trong bầu khí quyển của Trái Đất.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ