Trái Đất được hình thành như thế nào?

Chúng ta sống trên Trái Đất, thường muốn tìm hiểu quá trình hình thành của nó “Trái Đất từ đâu đến? Ban đầu nó có giống với hiện nay không?”

Từ thời cổ đại, khi đó khoa học chưa phát triển như ngày nay, con người không thể giải thích được vấn đề này, do đó dựa vào óc tưởng tượng của mình họ đã đặt ra rất nhiều chuyện thần thoại về nguồn gốc Trái Đất lưu truyền trên thế giới.

Cùng với sự phát triển của thời đại, khoa học cũng không ngừng tiến bộ, loài người dần dần không tin vào các câu chuyện thần thoại đó nữa. Đến thế kỷ XVIII một số nhà triết học và khoa học phương Tây đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguồn gốc Trái Đất. Họ có rất nhiều căn cứ. Qua hơn 200 năm không ngừng thảo luận, nghiên cứu và luận bàn về học thuật, ngày nay mọi người cơ bản tán thành “thuyết tinh vân”. Giả thuyết này do Kant, nhà triết học Đức đưa ra năm 1755. Ông căn cứ vào các tài liệu quan trắc thiên văn hồi đó cho rằng: trong Vũ Trụ tồn tại những hạt vật chất nguyên thuỷ rất phân tán. Những hạt này chuyển động xoáy tròn chung quanh trung tâm và dần tập trung trên một mặt phẳng, cuối cùng các chất trung tâm hình thành Mặt Trời. Những chất trên mặt phẳng gần đường quỹ đạo hình thành nên những hành tinh như Trái Đất và các thiên thể khác. Về sau “Thuyết tinh vân” này dần dần hình thành một trường phái của học thuyết nguồn gốc Thái Dương Hệ.

Trái Đất là một thiên thể trong hệ Mặt Trời. Nguồn gốc của mặt đất gắn chặt với nguồn gốc hình thành của Thái Dương Hệ. Theo suy đoán của các nhà thiên văn thì cách đây khoảng 6,6 tỉ năm, hệ Ngân Hà phát sinh một vụ nổ lớn. Các chất vụn nát phân bố rải rác, qua sự ngưng kết lâu dài, đến cách đây khoảng 5 tỉ năm trước, một đoàn khí thể khổng lồ, tối đen, không định hình, lạnh giá và loãng (bao gồm oxi, nêong, cacbonmonoxit, mêtan, khí cacbonic, amoniac,…) và các bụi tinh vân (than chì, quặng sắt, muối, axit silic) chuyển động ngược chiều kim đồng hồ trong vị trí Thái Dương Hệ ngày nay, co ngót dần, những vật nặng tập trung ở bên trong, những vật nhẹ ở bên ngoài, về sau những vật nặng hình thành hành tinh. Trái Đất chính là một trong những hành tinh đó. Hồi đó cách đây khoảng 4,6 tỉ năm.

Như vậy giả thuyết này dựa vào những căn cứ gì? Các nhà khoa học đã từng lấy mẫu đất đá cổ nhất từ trên Mặt Trăng đưa về, dùng phương pháp đồng vị để xác định, phát hiện tuổi của Mặt Trăng giống với những chất đồng vị của vẫn thạch trên Trái Đất, cũng gần với tuổi suy đoán của Trái Đất là 4,6 tỉ năm. Ngoài ra thành phần hoá học của đất đá Mặt Trăng và những vẫn thạch cũng như nham thạch cổ nhất trên Trái Đất rất thống nhất với nhau. Như vậy có thể thấy Trái Đất cùng với các tinh cầu trong Thái Dương Hệ đều hình thành đồng thời.

Vì vậy ta gọi thời gian 4,6 tỉ năm về trước là thời kỳ Thiên văn của Trái Đất, gọi quãng thời gian 4,6 tỉ năm lại đây là thời kỳ Địa chất của Trái Đất. Nghiên cứu lịch sử của Trái Đất là bắt đầu từ 4,6 tỉ năm trước cho đến nay.

Nhưng sau khi Trái Đất hình thành thì 800 triệu năm đầu (cách đây 4,6 – 3,8 tỉ năm về trước) bộ mặt ban đầu của nó như thế nào vẫn chưa có những chứng cứ trực tiếp, chỉ có thể mượn các thiên thể khác, đặc biệt là Mặt Trăng và những thiên thể có tình trạng giống Trái Đất để suy đoán. Ví dụ Mặt Trăng, Hoả Tinh, Thuỷ Tinh, bề mặt đầy hố vẫn thạch va chạm tạo nên. Cách đây khoảng 4,1 – 3,9 tỉ năm là thời kỳ các vẫn thạch va chạm dữ dội nhất, trong tầng đất xa xưa nhất của Trái Đất cũng để lại dấu vết của hiện tượng này. Lúc đó núi lửa trên Trái Đất bùng nổ rất nhiều. Thời kỳ đầu hình thành Trái Đất không tồn tại các vật chất của sự sống, có thể thấy được hồi đó Trái Đất chưa có nước, cũng chưa có không khí. Cách đây 4,4 – 4,3 tỉ năm trên Trái Đất mới bắt đầu xuất hiện cấu tạo địa tầng, có vỏ Trái Đất, lớp cùi và nhân Trái Đất. Cách đây khoảng 4 – 3,8 tỉ năm vỏ Trái Đất đi vào giai đoạn địa chất hoá. Sự sống, nước và không khí trên Trái Đất đều xuất hiện dần dần sau thời kỳ này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ