Tiết khí được xác định như thế nào?

“Trái Đất quay một vòng quanh Mặt Trời mất 365 ngày 5h48’46’’, Trái Đất tự quay quanh mình một vòng mất 23h56’4’’. Vì quỹ đạo quay quanh Mặt Trời không trùng với đường xích đạo mà có một độ nghiêng nhất định, cho nên vị trí Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất bốn mùa trong một năm rất khác nhau. Lấy Bắc bán cầu mà nói khi Mặt Trời chiếu thẳng lên 23,5 vĩ độ Bắc thì trong thiên văn gọi là hạ chí, khi Mặt Trời chiếu vuông góc với 23,5 vĩ độ Nam thì gọi là đông chí. Hạ chí và đông chí là chỉ thời gian đã bước vào giữa mùa hè và mùa đông. Trong một năm có hai lần Mặt Trời chiếu thẳng lên đường xích đạo, được phân biệt là xuân phân và thu phân. Xuân phân và thu phân là chỉ giữa mùa xuân và mùa thu. Ngày và đêm của hai ngày này dài bằng nhau. Như vậy một năm có thể dùng bốn ngày xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí để chia làm bốn giai đoạn. Nếu đem mỗi giai đoạn phân chia thành sáu giai đoạn nhỏ, mỗi đoạn nhỏ khoảng 15 ngày thì cả năm có thể phân thành 24 đoạn nhỏ, do đó sinh ra 24 tiết, khí.

Từ thời Tần Hán của Trung Quốc đã đặt tên cho 24 tiết, khí là: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ, Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử, Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng, Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.
Hàm nghĩa tên gọi của 24 tiết, khí có thể thấy rõ: nó phản ánh sự biến đổi của bốn mùa. Lập xuân, Xuân phân, Lập hạ, Hạ chí, Lập thu, Thu phân, Lập đông, Đông chí gồm tám tiết khí. Lập xuân, Lập hạ, Lập thu và Lập đông gọi là “Tứ lập”, biểu thị bắt đầu bốn mùa. Nhưng vì khí hậu các nơi khác nhau cho nên thời gian bắt đầu và độ dài ngắn của bốn mùa cũng khác nhau. Phản ánh sự biến đổi của khí hậu có: Tiểu thử, Đại thử, Xử thử, Tiểu hàn, Đại hàn gồm năm tiết, khí. Phản ánh hiện tượng khí hậu có: Vũ thủy, Cốc vũ, Bạch lộ, Hàn lộ, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đại tuyết, gồm bảy tiết khí. Phản ánh các hiện tượng mùa vụ gồm có: Kinh trập, Thanh minh, Tiểu mãn, Mang chủng gồm bốn tiết, khí. Những hiện tượng có liên quan đến khí hậu, thời tiết và mùa màng luôn có sắc thái địa phương. Ví dụ như tiết Sương giáng vào khoảng ngày 23 tháng 10 dương lịch, nó có ý nghĩa là tiết khí này đã đến thì trên mặt đất lần đầu tiên sẽ xuất hiện hiện tượng sương giáng. Nhưng những tỉnh nằm ở miền Nam Trung Quốc như Phúc Kiến, Đài Loan, Hải Nam cả năm không có sương, ngược lại những tỉnh nằm ở phía Bắc Trung Quốc như Hắc Long Giang và khu tự trị Nội Mông toàn năm lại là sương tuyết, cho nên sớm hơn ngày tiết khí đó. Đó là vì từ thời Tần Hán dân Trung Quốc chủ yếu sống tập trung ở lưu vực sông Hoàng Hà, nên 24 tiết, khí chủ yếu được căn cứ theo khí hậu và hoạt động nông nghiệp của lưu vực Hoàng Hà mà xác lập nên. Vì từ thời Tần Hán đến nay khí hậu đã biến đổi rất lớn, hiện nay lưu vực sông Trường Giang cũng có thể ứng dụng ở một mức độ nhất định. Đồng thời 15 ngày là một giai đoạn cho nên sắp xếp đối với sản xuất nông nghiệp tương đối thuận tiện. Do đó các vùng nông thôn Trung Quốc đều quen dùng 24 tiết, khí. Nhưng Trung Quốc đất rộng, khí hậu các vùng khác nhau, có những vùng hoạt động nông nghiệp thực tế không thể chỉ căn cứ vào ý nghĩa tên gọi của các khí tiết mà chỉ xem nó như một thời đoạn để ứng dụng. Nói cách khác, sự sắp xếp hoạt động nông nghiệp của các vùng còn căn cứ vào khí hậu, đặc điểm canh tác và đất đai của vùng đó để quyết định. Ví dụ tỉnh Hắc Long Giang và tỉnh Quảng Đông muốn căn cứ ý nghĩa của các tiết, khí để sắp xếp lịch sản xuất nông nghiệp thì sẽ hoàn toàn không thích hợp.

24 tiết, khí căn cứ ánh nắng Mặt Trời chiếu lên Trái Đất làm xuất phát điểm cho nên nó thuộc về phạm trù dương lịch. Sự bắt đầu của mỗi tiết, khí căn bản tương ứng với một ngày nhất định của dương lịch, thường chênh lệch chỉ một đến hai ngày.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ