Tại sao ngày trời mưa thì điện thoại dễ bị lạc âm?

Bạn có thấy khi mùa hè hoặc ngày trời nồm thì hiện tượng lạc âm (hiện tượng tín hiệu lời nói của đường dây điện thoại này chạy lạc qua đường dây điện thoại khác trong đường cáp – chú thích của người dịch) thường xảy ra không. Có khi tiếng trở nên nhỏ mà tạp âm lại lớn. Gặp trường hợp như vậy, có người cho là máy điện thoại bị hỏng rồi, hoặc là trách bưu điện không nối đường dây cho tốt. Thực ra, vấn đề là ở chỗ trên đường dây điện thoại.

Đường dây điện thoại là động mạch của điện thoại hữu tuyến. Dòng điện lời nói chạy dọc theo đường dây tới phía đối phương. Tín hiệu trong quá trình truyền tải phải chạy qua nhiều nhánh rẽ và mối nối. Đường dây càng dài thì lối rẽ và mối nối cũng càng nhiều. Nếu như mối nối ở những chỗ rẽ không được nối tiếp và bọc cẩn thận kèm theo xử lí cách điện thì dòng điện sẽ bị rò. Hiện tượng này gọi là “hiện tượng rò điện”.

Chúng ta đều biết rằng ngoài kim loại ra, nước, gỗ ướt, tơ bông ướt đều có thể dẫn điện. Và tính dẫn điện của chúng lại liên quan chặt chẽ tới độ ẩm của không khí. Trời nắng ráo hoặc mùa đông thì không khí khô, vỏ bọc của đường cáp khô ráo sẽ có sức ngăn trở của dòng điện cực lớn, và dòng điện sẽ ngoan ngoãn chạy dọc theo đường cáp tới đối phương. Thế nhưng vào mùa hè hoặc khi trời nồm, mưa khá nhiều, không khí ẩm ướt. Lúc này vỏ bọc bằng bông, lụa của đường điện và băng dán cách điện nơi tiếp nối bị ẩm ướt, khiến cho tính năng cách điện bị hạ thấp. Lúc trầm trọng thì băng dán không những không ngăn cách được dòng điện giữa các đường điện, ngược lại làm sinh ra hiện tượng rò điện. Nó sẽ bắc chiếc “cầu dẫn điện” giữa các đường dây. Khi ta sử dụng máy điện thoại, một bộ phận dòng điện sẽ chạy qua chiếc “cầu” này mà đi vào đường điện khác. Có những cáp ngầm tại địa phương nào đó do nắp giếng đậy không kín, nước mưa theo miệng giếng mà chảy vào đường ống đặt cáp, nước đọng dưới mặt đất cũng thẩm thấu vào trong giếng đặt cáp điện, dây sắt hoặc dây đồng trong đường cáp bị ngấm nước và gỉ, từ đó sẽ nở ra phá rách vỏ bọc cách điện. Hơi nước do vậy ngấm vào, gây nên hiện tượng lạc âm trong đường truyền điện thoại. Lúc nghiêm trọng, cáp điện ngầm chìm trong nước sẽ làm cho cáp bị đoản mạch và thông tin bị cắt đứt.

Đường cáp điện thoại không phải đều chôn dưới đất cả. Có đường lại mắc trên không ở ngoài trời, và khó tránh được chim làm tổ trên đó. Lại còn có khi dây diều trẻ em mắc vào nữa. Vào mùa mưa, những ngày ẩm ướt thì thường dẫn đến những tai hại. Vì những cái kể trên bị ẩm ướt và trở thành dẫn điện, khiến dòng điện lời nói giữa chừng bị rò rỉ, làm cho âm thanh điện thoại bị nhỏ đi. Thậm chí dòng điện lời nói nối sang đường thông của điện thoại khác, tạo nên hiện tượng lạc âm nghiêm trọng.

Bởi vậy, mùa hạ, mùa mưa phải tăng cường duy tu đường dây và đường cáp điện thoại. áp dụng những biện pháp chống ẩm như: Kịp thời bơm cạn nước trong đường giếng cáp điện thoại, triệt tiêu khí ẩm bằng biện pháp sấy hồng ngoại. Như vậy sẽ làm cho mối nối cách li mặt đất, chống được hiện tượng lạc âm, rò điện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ