Người Vượn ở Malaysia

Mặc dù cho đến nay chưa ai bắt sống hay tìm thấy xác Bigfoot (Chân To hoặc Người Vượn), chính quyền bang Johor của Malaysia hồi cuối tuần qua vẫn tuyên bố Bigfoot là tài sản của bang, không ai được quyền làm bị thương, bắt sống, chở ra khỏi bang hay giết chết con vật huyền thoại này.

Không phải vô cớ mà chính quyền bang Johor trịnh trọng ra thông báo nói trên. Cách đây 2 tuần, báo Berita Harian đưa tin một nhóm người thuộc Cục Hoang dã và Công viên quốc gia (tiếng Mã là Perhilitan) đã bắt được một Bigfoot con ở gần thị trấn Kota Tinggi. Tờ báo dẫn lời dân làng Felda Tenggaroh 2 cho biết vào cuối tháng 3 có khoảng 20 người đi trên 4 chiếc xe hai cầu dính đầy bùn ghé một quán ăn trong làng để ăn trưa. Một vài người trong đoàn khoe với các cô gái bán hàng rằng họ vừa bắt được một Bigfoot con sau khi nó bị hạ gục bằng súng bắn thuốc mê ở vùng Jalan Mersing thuộc một khu rừng già 248 triệu tuổi gần Singapore.

KHÔNG CHỤP ĐƯỢC ẢNH

Bán tín bán nghi, các cô gái vặn hỏi có phải con mawas (tiếng Mã chỉ con dã nhân) hay không thì mấy người nọ khẳng định là Bigfoot. Họ còn dẫn các cô gái đi xem nhưng chiếc xe chở Bigfoot con đã chạy mất (!). Theo dân làng, có lẽ đây là nhóm người đi săn trộm thú quý. Vẫn theo tờ báo, một lái buôn ở thị trấn Kota Tinggi nói cũng gặp nhóm người này đi xe mang biển số của Perhilitan. Người này nói có nhìn qua cửa xe thấy mang máng một con vật rất lớn nằm bên trong nhưng không rõ là vật gì vì cửa xe có dán keo màu đen. Ông xin chụp ảnh con vật bằng điện thoại di động nhưng không được chấp thuận.

Sau khi bài báo được đăng lên, chi nhánh Perhilitan địa phương đã gọi các cô gái lên để hỏi thêm các chi tiết. Đồng thời Datuk Musa Nordin, Cục trưởng Perhilitan, đã cải chính nguồn tin của báo. Theo ông, Perhilitan không hề cử nhân viên nào đi công tác ở khu vực đó tại thời điểm nói trên. Ông cũng bác bỏ giả thuyết một Bigfoot con bị bắt sống.

Nhưng, theo hãng tin Bloomberg, vào cuối tháng 3 vừa qua, chính quyền bang Johor có lên kế hoạch lập đoàn thám hiểm khoa học đi tìm dấu vết Bigfoot trong khu rừng già kể trên trong tháng 4 này. Trước đoàn thám hiểm này, đã có một nhóm tiền trạm bao gồm những người gác rừng, nhân viên kiểm lâm và thổ dân Orang Asli đi mở đường. Sở dĩ chính quyền bang Johor ra quyết định này vì hồi cuối năm ngoái một nhóm thợ rừng nhìn thấy 3 con vật rất to, gồm 2 con trưởng thành, 1 con còn nhỏ đi đứng giống người lảng vảng gần một bờ sông ở rìa khu bảo tồn rừng Johor.

Tin này làm sống dậy những câu chuyện về Người Vượn mà thổ dân địa phương thường kể cho nhau nghe. Thổ dân Orang Asli nói thung lũng Endau – nơi họ đang sinh sống – xưa kia là xứ sở của “Serjarang Gigi” tức những người rừng khổng lồ mình phủ đầy lông. Abdul Ghani Othman, Thủ hiến bang Johor, tin rằng có Bigfoot trong các khu rừng thiêng trong bang của ông vì thổ dân không biết nói dối.

MÒ KIM TRONG ĐỐNG CỎ KHÔ

Vincent Chow, một thành viên của Hội Thiên nhiên Malaysia, cũng tin rằng tại Malaysia có thể còn tồn tại một số Bigfoot vì ông từng chụp ảnh và nghiên cứu kỹ những dấu chân người khổng lồ tìm thấy trong khu rừng già giáp ranh Singapore. Tuy nhiên, ông Vincent Chow thừa nhận rằng muốn tìm Bigfoot chẳng khác nào “mò kim trong đống cỏ khô”, theo cách nói của người Malaysia.

Thế nhưng, một số người lại tỏ ra nghi ngờ những câu chuyện về Bigfoot ở bang Johor chỉ là một chiêu thu hút du khách trong và ngoài nước. Những người này dựa vào tuyên bố của Freddie Long, Chủ nhiệm Ủy ban Du lịch và Môi trường bang Johor, theo đó dù cho là huyền thoại đi nữa thì Bigfoot vẫn “ẩn chứa một tiềm năng to lớn về du lịch”. June Rubis, 29 tuổi, một thành viên của Hội Bảo tồn hoang dã Malaysia, từng nghiên cứu các loài linh trưởng ở Malaysia trong 5 năm qua, cũng tỏ ra hoài nghi: “Thật là khó tin”.

Dẫu sao, việc chính quyền bang Johor tuyên bố bảo vệ đến cùng Bigfoot đã khiến BFRO, một tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu về Bigfoot trên thế giới, lên tiếng ca ngợi: “Bước đi tích cực của bang Johor đã đánh tan một giả định, theo đó không một chính quyền nào có thể tuyên bố bảo vệ Bigfoot trừ khi ít nhất có một thợ săn có trong tay một nguyên mẫu Bigfoot”. Theo BFRO, các nước khác cần có một “bước đi lịch sử” như Johor. BFRO than phiền rằng có một số nước như Nepal, Tây Tạng, Bhutan, Ấn Độ (tại 4 nước này Bigfoot được gọi là Yeti, người tuyết sống ở vùng núi Hy Mã Lạp Sơn), Trung Quốc, Nga, Mỹ và Canada đã không coi trọng những thông tin về Bigfoot do công dân của họ cung cấp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ