Mặt trời có “chết” không?

Đối với con người mà nói, Mặt Trời chói sáng chắc chắn là thiên thể quan trọng nhất trong vũ trụ. Vạn vật sinh trưởng dựa vào Mặt Trời. Không có Mặt Trời thì trên Trái Đất không thể có sự sống muôn màu, muôn vẻ, đương nhiên cũng không thể hun đúc được loài người là sinh vật có trí tuệ. Mặt Trời đưa lại ánh sáng và ấm áp cho chúng ta, đưa lại sự luân hồi về ngày đêm và các mùa, làm cho Trái Đất thay đổi nóng lạnh, cung cấp nguồn năng lượng đủ các hạng cho sự sống trên Trái Đất. Hàng năm, hàng tháng Mặt Trời mọc từ phía đông lặn xuống phía tây. Trong con mắt của con người, tuy “vật đổi sao dời” xảy ra, nhưng Mặt Trời đã trở thành một biểu tượng vĩnh hằng mãi mãi.

Trên thực tế Mặt Trời là một thiên thể khí nóng bỏng tạo thành quả cầu lửa khổng lồ, hàng tỉ năm nay Mặt Trời vẫn bốc cháy rừng rực trên không trung. Từ góc độ thiên văn học mà xét, Mặt Trời chỉ là một hằng tinh thông thường trong hệ Ngân hà, hơn nữa giống như bất cứ thiên thể nào khác, nó đều có quá trình sinh ra, trưởng thành và tử vong.

Tuổi của Mặt Trời đã gần 5 tỉ năm. Mặt Trời thông qua phản ứng dây chuyền nhiệt hạch, dựa vào một lượng lớn nguyên tố hydro tập trung ở tâm mà phát sáng, phát nhiệt. Bình quân mỗi giây nó tiêu hao 6 triệu tấn hydro. Nguyên tố hydro tàng trữ trong Mặt Trời có thể cung cấp cho Mặt Trời tiếp tục cháy sáng năm tỉ năm nữa. Vậy sau năm tỉ năm nữa Mặt Trời sẽ ra sao? Đến lúc đó nhiệt độ của Mặt Trời có thể đạt đến hơn 100 triệu °C, bên trong Mặt Trời sẽ dẫn đến sự phát sinh heli đột biến. Tiếp theo đó Mặt Trời sẽ giãn nở rất nhanh, đi vào giai đoạn ngôi sao đỏ khổng lồ. Độ sáng của nó sẽ tăng gấp 100 lần hiện nay và nó sẽ nuốt chửng các hành tinh gần nó như sao Thuỷ, sao Kim. Trái Đất cũng có thể biến thành ngày càng nóng hơn, thậm chí có thể bị Mặt Trời giãn nở nuốt mất, cuộc sống sẽ không tồn tại nữa. Cùng với thời gian trôi đi, Mặt Trời ngày càng tiêu hao năng lượng hạt nhân của nó, cuối cùng đi vào thời kỳ tàn lụi như ngọn nến, tiếp theo đó là co ngót thành một ngôi sao Bạch oải ảm đạm, dần dần mất đi trong vũ trụ bao la, kết thúc cuộc đời bình thường mà huy hoàng của nó.

Khi Mặt Trời mất đi thì Trái Đất đã sớm không tồn tại nữa. Đến lúc đó có thể loài người phát triển đến nền văn minh cao độ và du hành giữa các vì sao, có thể sinh cơ lập nghiệp ở một ngôi sao nào đó trong hệ Ngân hà. Ai dám nói đó không phải là sự thật?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ