Kì lân là động vật gì?

Trên một số tranh bình phong dân gian hoặc điêu khắc, đôi khi bạn có thể nhìn thấy một loài thú rất hiếm lạ kì quái: hình dáng giống hươu, toàn thân được phủ vảy giáp, miệng màu đỏ, hàm dưới có râu dài, thân rực sáng như lửa… có con còn mọc cánh. Người xưa gọi loài động vật này là kì lân, rồi ghép nó với rồng, phượng, rùa thành “tứ linh”, được xem là loài thú tượng trưng cho sự tốt lành may mắn.

Tuy nhiên, nếu bạn cầm “tranh vẽ” kì lân để tìm kiếm trong giới động vật thì cho dù bạn có đi nát cả đôi giày bằng sắt chăng nữa cũng không thể tìm thấy được.

Hoá ra, trên thế giới không có con kì lân như vậy; kì lân đích thực có thể là con hươu cao cổ mà bạn thường nhìn thấy trong vườn bách thú ngày nay. Tại sao nói kì lân chính là hươu cao cổ nhỉ?

Trước tiên là thói quen của hươu cao cổ với những điều đã ghi chép về kì lân trong sách cổ rất giống nhau. Trong cuốn sách “Mao thi lục sở quảng yếu” nói, kì lân có vó mà không đá người, có sừng mà không húc người, là loài thú hiền lành, nhân ái. Một số sách cổ khác ghi lại, kì lân không biết kêu, lại chạy rất nhanh, một ngày đêm có thể chạy được ngàn dặm, điều này cũng rất phù hợp với hươu cao cổ. Bởi vì hươu cao cổ thiếu thanh đới, là con vật câm, và tốc độ chạy là hơn 30 km/h, cũng thực sự xứng đáng là con “tuấn mã”.

Hai là, sự miêu tả về hình dáng của kì lân trong sách cổ cũng rất phù hợp với hươu cao cổ. Trong “Ngoại quốc truyện” của “Sử nhà Minh” nói: chân trước của kì lân cao 9 thước, chân sau 6 thước, cổ dài 1 trượng 6 thước 2 tấc, có 2 sừng ngắn, đuôi giống như đuôi bò nhưng thân lại giống hươu. Trong giới động vật trừ hươu cao cổ ra thì cũng không thể nào có loài động vật thứ hai có hình dáng giống như thế nữa.

Cũng giống như vùng đất sinh ra kì lân mà trong sách cổ Trung Quốc có ghi chép, quê hương của loài động vật cao kều này là ở Châu Phi nhiệt đới. Do Châu Phi cách Trung Quốc rất xa, thân hình thật của “kì lân” này thời đó rất khó chuyển được vào Trung Quốc. Vì vậy người Trung Quốc không thể nhìn thấy chúng, tất cả chỉ dựa vào một số truyền thuyết và tư liệu ghi chép. Lại thêm vào đó sự suy luận chủ quan và liên tưởng của con người, cho nên cái sai cứ truyền đi mãi, dần dần vẽ thành một bức tranh kì lân kì quái như vậy.

Trên thực tế, ở vùng đất Châu Phi, như ở Sômali gọi hươu cao cổ là “geri”, âm của từ này phát ra rất giống với âm “kì lân”. Còn trong ngôn ngữ hiện đại của các nước Âu Mĩ, tên của hươu cao cổ cũng là lấy từ chữ ả Rập “Zoufara”, nửa phần trước của âm đọc đó cũng rất giống với âm chữ “kì lân”. ở Nhật Bản, cho đến nay, hươu cao cổ trong chữ Nhật vẫn còn dùng danh từ “kì lân” này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ