Bạn có thể dùng cốc nước làm một giàn đàn chuông mô phỏng không?

“Nếu bạn là người ưa thưởng thức âm nhạc, chắc bạn biết tên gọi của nhiều loại nhạc cụ, như đàn gõ (trên dây), đàn nguyệt, đàn tì bà, đàn nhị, thụ cầm, piano, viôlông, ôboa v.v. Bạn đã nghe nói đến “”đàn chuông”” bao giờ chưa?

Đàn chuông là một trong những loại nhạc cụ cổ xưa của Trung Quốc. Âm điệu của đàn chuông vô cùng trang nghiêm, đĩnh đạc, hài hoà. Năm 1978, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được rất nhiều cổ vật trong một ngôi mộ đầu thời kì Chiến quốc ở huyện Tuỳ (nay là thành phố Tuỳ Châu), tỉnh Hồ Bắc. Trong số cổ vật đó có một giàn đàn chuông kích cỡ lớn, có thể gọi là quý hiếm trên đời.

Vì sao đàn chuông cần phải dùng một giàn chuông lớn nhỏ khác nhau nhỉ? Đó chính là vì muốn chúng phát ra những âm thanh có âm điệu khác nhau. Chúng ta biết rằng số lần rung động của vật thể trong một đơn vị thời gian càng nhiều, tức là tần số càng cao, thì âm thanh càng chói, hoặc là nói âm thanh càng cao. Còn về sự cao thấp của tần số thì lại được quyết định bởi khối lượng, hình dạng hình học và kích thước của vật thể. Giàn đàn chuông này, chuông to thì tần số thấp, phát sinh ra âm thanh vang vọng mà trầm hùng; chuông nhỏ thì tần số cao, phát ra âm thanh thánh thót và cao vút. Mỗi một cái chuông đều thay mặt cho một âm điệu, phối hợp vào với nhau sẽ thành ra một giàn nhạc cụ.

Chúng ta có thể dùng cốc nước làm một giàn đàn chuông mô phỏng.

Phương pháp làm rất đơn giản, chỉ cần lấy một chục chiếc cốc pha lê giống nhau, trong cốc đựng nước với mức độ đầy vơi khác nhau, rồi sắp xếp lần lượt theo thứ tự lượng nước trong cốc. Xong xuôi đâu đấy, bạn cầm một chiếc đũa gõ vào các chiếc cốc là chúng sẽ phát ra những âm thanh có âm điệu khác nhau.

Âm thanh từ chiếc cốc phát ra, chủ yếu là do sự rung động của thành cốc. Tuy rằng hình dạng, kích thước và chất liệu của những chiếc cốc này như nhau, song mực nước vơi đầy trong mỗi chiếc một khác. Điều đó tương đương với sự thay đổi khối lượng của thành cốc, vì vậy âm điệu phát ra lúc cao, lúc thấp. Nước rót vào càng đầy, khối lượng càng lớn, thì âm điệu càng thấp. Có sự trợ giúp của nước cũng rất tốt, đó là lượng nước rót vào nhiều hay ít có thể điều tiết, xác định âm điệu tương đối dễ dàng. Sau khi hiệu chỉnh âm điệu là đã có được một giàn đàn chuông mô phỏng rồi. Ngay bây giờ bạn hãy bắt tay làm thử xem, và diễn tấu một khúc nhạc bằng giàn đàn chuông mô phỏng cho mọi người cùng thưởng thức.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ